9 tháng, kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam - Trung Quốc đạt 9,8 tỷ USD. 9 tháng, kim ngạch
Ngày 27/10, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (CB&PTTTNS) thuộc Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP Hồ Chí Minh, tổ chức “Hội thảo quốc tế trao đổi thông tin các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu rau quả Việt Nam - Trung Quốc”.
Các đại biểu tham gia ''Hội thảo quốc tế trao đổi thông tin các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu rau quả Việt Nam - Trung Quốc''.
|
Theo ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục CB&PTTTNS, trong thời gian qua thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc có bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ đầu năm đến hết tháng 9/2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam - Trung Quốc đạt hơn 9,8 tỷ USD (giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2019). Phần lớn các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc đều giảm, cụ thể là hàng rau quả đạt 1,4 tỷ USD (giảm 25,9%).
Trong bối cảnh đó, Bộ NN&PTNT Việt Nam đã có các buổi làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, trao đổi công hàm làm việc với Bộ Nông nghiệp, Tổng cục Hải quan Trung Quốc trong công tác thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản, tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm phát triển thị trường cho các sản phẩm nông sản xuất khẩu chính ngạch như: Trái cây, khoai lang.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Toản, hiện nay chỉ có 9 loại trái cây tươi của Việt Nam được phép nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Bộ NN&PTNT tiếp tục thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường theo thứ tự ưu tiên: Bưởi, chanh leo, bơ, na (mãng cầu), roi (mận), dừa, thảo quả và dứa.
“Tiềm năng thương mại nông sản giữa hai nước còn rất lớn, Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn thứ 16 trên thế giới và đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (số liệu năm 2019). Nhiều nông sản của Việt Nam giữ vị trí tốp đầu trên thế giới trong đó có sản phẩm trái cây nhiệt đới..., và Trung Quốc là thị trường đích đứng thứ 1, trên 70% rau quả của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo WTO, hàng năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng hơn 160 tỷ USD các mặt hàng nông sản, với mức tiêu thụ khoảng 2 triệu tấn thực phẩm/ngày, trong đó nhóm mặt hàng rau quả khoảng 9 - 10 tỷ USD. Nhiều chuỗi cung ứng trái cây như: Thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, bưởi, dưa hấu... thực hành theo quy trình nông nghiệp sạch, thông minh được xuất khẩu đi nhiều quốc gia có tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...”, ông Nguyễn Quốc Toản cho biết.
Tại hội thảo, Bí thư thứ nhất Lãnh sự thương mại Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP Hồ Chí Minh Lý Kiến Lương cho biết: “Những năm gần đây, cùng với sự phát triển ổn định mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung, thương mại 2 nước luôn giữ mức tăng trưởng nhanh. Trung Quốc liên tiếp nhiều năm là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN.
Trong năm 2020, theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam đạt 88,7 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm (tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2019). Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 31,9 tỷ USD (tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2019). Trung Quốc đã vượt qua EU để trở thành thị trường lớn xuất khẩu thứ hai của Việt Nam”.
“Trong những năm gần đây, để kiểm soát nhập khẩu rau quả theo tiêu chuẩn quốc tế và đảm bảo an toàn thực phẩm, Hải quan Trung Quốc đã từng bước tăng cường kiểm tra, giám sát kiểm dịch đối với rau quả nhập khẩu, đưa ra các quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn về xuất xứ, vùng trồng, bao bì, nhãn mác của hoa quả nhập khẩu. Tuy nhiên, theo phản hồi của Hải quan Trung Quốc vẫn còn một số vướng mắc về đăng ký vùng trồng, quản lý cơ sở đóng gói, kiểm tra kiểm soát và truy xuất nguồn gốc trong rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Thông qua hội thảo hôm nay, tôi mong nhiều công ty rau quả của Việt Nam có thể hiểu vấn đề và tìm ra giải pháp để có những điều chỉnh, cải tiến kịp thời, cùng nhau thúc đẩy xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc ổn định”, ông Lý Kiến Lương nói.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục CB&PTTTNS, hội thảo lần này nhằm phổ biến, hướng dẫn để các doanh nghiệp nắm bắt các thay đổi chính sách, các quy định mới; Biện pháp của Trung Quốc về tăng cường kiểm soát chất lượng, kiểm dịch rau quả nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc, đăng ký danh sách doanh nghiệp xuất khẩu rau quả, sản phẩm hoa quả chế biến sang thị trường Trung Quốc; trao đổi thông tin của các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc nhằm phát triển xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc; trao đổi các giải pháp, kinh nghiệm, công tác tổ chức sản xuất đáp ứng theo các quy định nhằm phát triển xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2010, xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc đạt 74,9 triệu USD, đến năm 2019 đạt 2,48 tỷ USD (trung bình đạt 54,85%/năm). Về cơ cấu xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt 1,22 tỷ USD/1,43 tỷ USD rau quả. Đến nay các tỉnh có tỷ lệ diện tích lớn trồng cây ăn trái đạt chứng nhận VIETGAP là Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre.
Đến tháng 9/2020, Bộ NN&PTNT đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó: Thúc đẩy nhanh tiến trình ký kết Nghị định thư về mở cửa thị trường sản phẩm thạch đen, sầu riêng, khoai lang; Làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhanh chóng khắc phục việc tạm dừng xuất khẩu xoài, ớt của Việt Nam; Tuyên truyền, phổ biến thông tin về xuất khẩu chính ngạch, các quy định thị trường, hàng rào kỹ thuật của Trung Quốc; Xúc tiến thương mại nông sản tại thị trường Trung Quốc, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, giao thương, quảng bá sản phẩm nông sản…
Tin khác